(Phần 1) Đất nước Ethiopia – Nước mắt nông dân và Hương vị của Thần
Đã nói đến cà phê đặc sản thế giới, không thể không nhắc đến vùng đất trứ danh – Ethiopia, nơi bắt đầu những câu chuyện hấp dẫn về việc phát hiện ra cà phê.
Và mang đến cho người yêu cà phê những phút thăng hoa cùng tách cà phê thơm nồng nàn quyến rũ.
Bạn đã hiểu về cà phê vùng Ethiopia như thế nào? Lý do mà cà phê Ehiopia được yệu thích đến như vậy? Hãy cùng sieuthicafe.vn khám phá nét văn hóa đặc biệt của vùng cà phê mang “Hương vị của Thần” và những ẩn chứa ” nước mắt người nông dân” tại xứ sở cà phê Ethiopia.
Hành trình dài đầy thú vị của cây cà phê hay Kaffa.
Kaffa là tên thời ban sơ của cà phê – Được đặt tên theo nơi tìm thấy cà phê lần đầu tiên trong tự nhiên xuất phát từ vùng đất cổ đại Abyssinia, ngày nay là Ethiopia hiện đại theo phía Tây Nam.
Không giống như hầu hết các quốc gia trồng cà phê khác, ở đây cây cà phê phát triển tự nhiên.
Đó là một phần lí do vì sao giống của ethiopia được gọi tên là “Heirloom”.
Câu chuyện về nguồn gốc cà phê phổ biến nhất, bắt đầu với Kaldi và những con dê của anh ấy vào năm 700 sau Công nguyên.
Kaldi – một người chăn dê người Ethiopia đã nhìn thấy những con dê của mình với hành động khá kỳ lạ sau khi ăn trúng một loại trái màu đỏ và chúng trở nên tăng động hơn.
Kaldi đã ăn thử và cảm thấy tinh thần đều thoải mái và phấn khích.
Sau khi tình cờ phát hiện trái cây kỳ diệu này, anh đã chia sẻ những phát hiện của mình với nhóm nhà sư trong làng.
Nhưng người đã không chấp nhận việc sử dụng chúng và ném chúng vào lửa, tạo ra một hương thơm tuyệt vời, dễ chịu.
Vị sư trưởng, người đã ném chúng vào lửa ngay từ đầu, đã ra lệnh lấy những quả này ra từ đống lửa và đổ nước nóng lên chúng để giữ mùi.
Sau khi uống hỗn hợp, họ trải nghiệm cảm giác yên bình, ấm áp và êm dịu mà nó mang lại.
Và từ đó, họ sử dụng cà phê này để giúp tỉnh táo để làm việc và thảo luận các vấn đề quan trọng trong thời gian dài.
Sau một thời gian, hạt cà phê được xay và đun sôi để tạo ra thứ mà chúng ta biết ngày nay là cà phê.
Kể từ khi phát hiện ra dường như tình cờ này, những “ngôi nhà cà phê” đã trở nên quan trọng đối với sự hình thành của lịch sử và xã hội của Ethiopia và cả thế giới.
Từ hạt cà phê đến văn hóa người Ethiopia
Cà phê đóng một vai trò sâu sắc trong văn hóa Ethiopia đến mức nó luôn xuất hiện trong nhiều nghi lễ liên quan đến cuộc sống, thực phẩm và các mối quan hệ giữa các cá nhân.
Một câu nói phổ biến là “Buna dabo naw”. Điều này có nghĩa đen là “Cà phê là bánh mì của chúng tôi”. Có thể hiểu rằng cà phê của vùng Ethiopia chính là nguồn sống, một loại lương thực không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật.
Nghi Lễ cà phê là một phong tục xã hội quan trọng nhất của văn hóa Ethiopia. Việc được mời tham gia vào buổi lễ là biểu hiện của sự tôn trọng và tình bạn.
Mỗi buổi lễ kéo dài 2-3 giờ, và thông thường các gia đình sẽ tổ chức 2-3 buổi lễ này mỗi ngày.
Đây là sự kiện dành cho cả gia đình, nơi ngay cả trẻ em cũng tham gia phục vụ cà phê cho người lớn tuổi.
Khách thường xuyên được mời cùng tham gia cùng người dân thể hiện sự hiếu khách và tạo ra những mối quan hệ.
Cuộc trò chuyện trong buổi lễ có thể bao gồm từ chính trị đến cộng đồng địa phương và hơn thế nữa.
Người phụ nữ đóng vai trò chủ lễ trong việc tiến hành nghi thức pha và trình bày.
Họ thường mặc trang phục truyền thống màu trắng và thực hiện các công đoạn từ rang, xay cà phê.
Đầu tiên, khu vực thực hiện nghi thức được quét gọn sạch, thảm cỏ rộng rãi được trải trên nền nhà nơi tổ chức lễ cà phê, thường được rải thêm thảo mộc và hoa tươi (thường là những bông hoa nhỏ màu vàng hoặc các loài hoa cúc cho những ngày lễ truyền thống Mawlid của người ethiopia). Người chủ lễ đốt hương trầm để thanh tẩy bầu không khí.
Trong buổi lễ, cà phê tươi được rang trong chảo, xay bằng tay cối gỗ có tên là mukecha và chày bằng kim loại có tên là zenezena
Nước sạch được đong vào ấm đất hoặc gốm đen, đáy bằng tròn (gọi là Jebena)
Khi cà phê giã xong cũng là lúc nước đã đủ nóng. Người nữ phụ trách giở nắp ấm bằng rơm và trút cà phê vừa xay thơm ngát vào. Ấm đun lại tới khi cà phê được chiết xuất vừa đúng độ và sẵn sàng rót ra cho khách.
Một chiếc khay gồm những tách không quai bằng gốm hoặc thủy tinh (Cini) đặt sát nhau được rót một lần cho đồng đều từ trên cao độ hơn một gang tay. Bã cà phê còn nằm trong ấm, không trút vào các tách.
Người ít tuổi nhất lúc đó mời người cao tuổi nhất thưởng thức tách cà phê đầu tiên. Người hành lễ mời tất cả cùng tham dự cùng uống cà phê (được gòi là thời gian uống cà phê – Bunna Tetu). Khách có thể thêm đường nếu muốn. Sữa không được sử dụng.
Sau tuần cà phê thứ nhất – gọi là Abol, nghi thức được lặp lại đến vòng thứ hai – gọi là Tona và thứ ba- là Baraka. Hai tách cà phê đầu tiên, Abol và Tona tượng trưng sự chuyển hóa thần khí. Tách thứ ba – Baraka có nghĩa là sự ban phước chúc phúc cho tất cả.
Người chủ lễ có thể thêm đậu khấu (cardamom), quế (cinnamon) và đinh hương (clove) vào khi rang cà phê để làm phong phú thêm với các gia vị. Những hương liệu giàu có của vùng nhiệt đới, nhờ ánh sáng và hơi ấm của mặt trời – với sự kết hợp của cả bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió giúp con người hòa hợp với nhau và với đất trời để hưởng hạnh phúc giản đơn.
Các tuần cà phê đi qua thì cà phê cũng dần nhạt theo, nhưng đây là cách mà người Ethiopia thể hiện sự biết ơn đố với cà phê, mang đến cho người tham gia buổi lễ thấy được sự trân trọng hạt cà phê quý báu vì họ đã trải qua một quá trình dài chăm chỉ để cho ra hạt cà phê chất lượng.