ETHIOPIA NƠI HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU – Phần 1

 

  • Tên chính thức Cộng Hoa Dân Chủ Liên Bang Ethiopia
  • Diện tích: 472,000 dặm vuông.
  • Vị trí: Một mảnh đất nằm ngay Mũi Sừng Châu Phi, Ethiopia có biên giới giáp Eritrea ở phía Bắc, Sudan ở phía Tây, Kenya ở phía Nam, Somali ở phía Đông và Djibouti ở phía Đông Bắc.
  • Thủ đô: Addis Ababa
  • Dân số: 83 triệu
  • Đơn vị tiền tệ: Birr
  • Ngôn ngữ: Amharic (chính), Tigrinya, Arabic, Guaragigna, Oromigna, tiếng Anh, Somali.
  • Địa hình: Cao nguyên, núi, các vùng đất khô bằng.
  • Khí hậu: Mát mẻ ở vùng núi cao và nóng ở vùng thấp.

Một lần gần đây, tôi có đi bộ dạo trên những con phố Seattle và nhìn vào những quán cà phê tấp nập người đang uống các dòng cà phê đặc biệt (specialty). Tôi đi vào một quán và hỏi một số khách hàng rằng liệu họ có biết nguồn gốc của thứ thức uống họ đang thưởng thức. Hầu hết những người tôi hỏi đều cười và trả lời rằng: “Tất nhiên là cà phê từ Seattle rồi”. Không ai trong số những khách hàng đó biết rằng cà phê có nguồn gốc từ một đất nước xa xôi, tên là Ethiopia. Một đất nước mà khi bạn dạo quanh những triền đồi hay ngọn núi bạn vẫn có thể bắt gặp những cây cà phê mọc dại ở khắp nơi. Một đất nước với bề dày lịch sử cà phê cùng niềm kiêu hãnh của nó, và đất nước đó vẫn đang tạo ra những nỗ lực lớn lao để nâng cao chất lượng cà phê của họ.

Ngược dòng thời gian…

Hầu hết chúng ta đều biết câu chuyện của chàng Kaldi và điệu nhảy với bầy dê của anh ta, nhưng lại rất ít biết được cách cà phê phát triển thành một phần của văn hoá Hồi Giáo. Câu chuyện của chàng Kaldi kể tiếp rằng sau khi tìm ra tác dụng của cà phê lên bầy dê của mình, anh vội mang những trái cà phê này tới Iman, người đứng đầu nhà thờ Hồi Giáo tại địa phương. Iman sau khi nghe câu chuyện của Kaldi liền ném những trái cà phê vào đống lửa gần đó, và ngay lập tức cả thánh đường trần ngập một mùi hương tuyệt vời. Iman bèn lấy những hạt cà phê cho vào bình đựng có chứa nước nóng. Những người đi cầu nguyện đêm đó đã uống thử loại nước này và bất ngờ trước tác dụng giúp tỉnh táo của nó. Từ đó, loại thức uống này nhanh chóng trở thành một phần của truyền thống cầu nguyện ban đêm của người Hồi Giáo.

Cà phê được xuất khẩu lần đầu tiên từ Ethiopia qua Yemen bởi những người nô lệ Sudan bằng cách bọc những trái cà phê bên trong mỡ động vật và bơ để tạo nên thứ được xem là lương khô bổ sung năng lượng đầu tiên trên thế giới.

 

Một đất nước Ethiopia hiện tại!

Nền sản xuất cà phê của Ethiopia đã thay đổi rất nhiều so với những ngày nguyên khởi, nhưng cây cà phê vẫn mọc dại ở rất nhiều nơi trên đất nước này. Ở Ethiopia, cà phê được chia ra thành ba nhóm: Cà phê trồng trong vườn, cà phê mọc trong rừng hoặc bán rừng và cà phê được canh tác công nghiệp. Cà phê vườn được trồng tại hộ gia đình với quy mô nhỏ thông thường từ 1 tới 2 hecta. Cà phê rừng hầu hết là cà phê mọc dại và được hái khi trái chín. Cà phê trồng công nghiệp tất nhiên là được trồng theo hàng lối ở quy mô lớn được cắt tỉa chăm bón cẩn thận.

Các vùng trồng chính ở Ethiopia bao gồm: Sidamo, Harrar, Djimmah, Limu, Teppi, Bebeka, Gimbi, Lekempti và Yirgacheffe. Vì rất khó để có thể kể chi tiết tất cả các vùng, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những gì đang diễn ra ở vùng Yirgacheffe, nằm ở thung lũng Great Rift xinh đẹp.

Trong nhiều năm, cà phê Ethiopia chủ yếu được sơ chế khô giống như ở các nước láng giềng như Yemen. Tuy nhiên, thông qua các chương trình giáo dục được xây dựng bởi các tổ chức và các đối tác như Dominion Trading và USAID, cũng như các cá nhân có liên quan, bên cạnh đó, các nhà rang xay và các chuyên gia cà phê cũng đang phát triển mối quan hệ với các nông hộ và cơ sở sơ chế cá thể, chất lượng cà phê tại Ethiopia đang được cải thiện một cách đáng kể từng bước. Hiện tại, khoảng 50% cà phê tại Ethiopia đã được sơ chế ướt và những loại cà phê mà tôi mới thử nếm gần đây đã cho thấy một sự thay đổi rõ ràng về sự phong phú trong hương và vị.

Lấy một ví dụ là tôi đã gặp Mike Stemm và Craig Meredith, hai người đã cùng chung tay xây dựng công ty DTC Holding mà hiện tại được sở hữu và vận hành bởi người Ethiopia. DTC holding cũng đang điều hành nhà máy sơ chế ướt Kebede Koomsa ở Yirgacheffe và xuất cà phê trực tiếp đi thông qua công ty xuất khẩu của họ. Khi bạn đi vào nhà máy này bạn sẽ ngay lập tức nghe thấy những giọng ca của những người phụ nữ làm việc tại khu vực phơi cà phê, họ vừa lựa cà phê bằng tay vừa hát.

Chúng ta đều biết, nước là một yếu tố chính trong quá trình sơ chế cà phê và Kebede Koomsa đang sử dụng một máy tách vỏ cũ tiêu thụ tới 60 000 khối nước một ngày. Bên cạnh đó, nước sau khi sử dụng xong được lưu trữ trong các hố lớn khiến chúng dễ bị nhiễm bẩn và không thể đưa ra môi trường hay tái sử dụng. DTC Holding đưa về một loại máy xay mới thân thiện với môi trường hơn và chỉ sử dụng 800 khối nước một ngày. Nước không còn bị nhiễm khuẩn nữa và sự thật là nước được thải ra sau khi sử dụng còn sạch hơn cả trước khi chúng được dùng. Những dự án như thế này đang cải thiện chất lượng của quy trình sơ chế cà phê và chất lượng đó được phản ánh trên ly cà phê.

Còn tiếp (Phần 2)…
Tài liệu được dịch sang Tiếng Việt bởi Công ty TNHH BLAGU Việt Nam
Trích dẫn  bài viết “Navigating Origins” được viết bởi  Mark Mckee