- Tên chính thức: Nước Cộng Hoà Kenya
- Diện tích: Khoảng 582,647 cây số vuông. Trong đó 13,396 cây số vuông là bề mặt nước.
- Vị trí: Đông Phi, phía Bắc giáp Ethiopia, phí Tây Bắc giáp Sudan, phía Tây giáp Uganda, phía Nam giáp Tanzania và phía Đông giáp Somali.
- Thủ đô: Nairobi
- Dân số: 36 triệu
- Đơn vị tiền tệ: Kenya shilling
- Ngôn ngữ: Swahili, tiếng Anh
- Địa hình: Phía đông gần biển Ấn Độ Dương, đất đai bằng phẳng. Núi đồi và thung lung nằm ở trung tâm đất nước. Từ phía tây Nairobi, thung lũng Great Rift cắt đôi đất nước từ Bắc tới Nam
- Khí hậu: khí hậu Xích Đạo với mùa mưa chính từ tháng 3 tới tháng 5,6 và mùa mưa phụ từ tháng 10 tới tháng 12. Mùa khô kéo dài từ tháng 1 tới tháng 3.
- Các nông sản xuất khẩu: Cà phê, Trà và các nông sản khác.
Nền cà phê với một lịch sử đặc biệt…
Khi biết rằng, Kenya là quốc gia láng giềng cùng biên giới với Ethiopia, vùng đất được xem như là cái nôi của cà phê, chúng ta sẽ ngạc nhiên với sự thật là cà phê mới chỉ được trồng ở đất nước này khoảng hơn 120 năm trước. Mặc dù, các nhà buôn Kenya đã giao thương với các quốc gia trong Châu Phi và Trung Á từ rất lâu, nhưng tới giữa thế kỉ 19 vùng đất này hầu như không được người phương Tây biết đến. Cho tận đến khi các nhà truyền giáo người Đức di hành tới đây thì những câu chuyện về những đỉnh núi hùng vĩ và những hồ nước lớn trải dài mới lan truyền tới Châu Âu, ngay lập tức họ nhanh chóng tìm đến khám phá và định cư tại vùng đất này, và bằng cách đó cà phê được mang tới Kenya.
Những nhà truyền giáo người Scotland đã đưa hạt giống cà phê từ Aden, Yemen và gieo chúng xuống vùng đất Kibwezi, gần bờ biển Mombasa năm 1893. Việc canh tác được mở rộng tới Nairobi vào năm 1900, và tới năm 1912, nhiều vùng trồng đã được mở rộng đưa diện tích lên tới hàng trăm mẫu. Kenya sau đó trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1920, và người Anh đã xây dựng hệ thống nghiên cứu, sản xuất và quảng bá cà phê Kenya. Kenya giành được độc lập vào năm 1963 và tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất ngành cà phê. Ngày nay, cà phê Kenya được xem là một trong những loại cà phê ngon nhất thế giới.
Hương vị là độc nhất
Cà phê Kenya nổi tiếng với một nền phổ hương phong phú và đầy đặn, sự cân bằng và đa dạng trong hương vị được xây dựng trên tính axit rất cao kết hợp với hương vị ngọt ngào gợi nhớ đến rượu trái cây và các loại gia vị. Đa phần cà phê Kenya được trồng ở vùng có độ cao từ 1500 tới 2100 met so với mực nước biển trên nền đất núi lửa nhiều khoáng chất. Các vùng trồng chính bao gồm: Nyeri, Murang’a, Kirinyaga, Embu và Meru – đây là các khu vực nằm ở phía đông bắc tỉnh Nairobi, trong vùng xung quanh núi Kenya, đỉnh núi cao thử 2 ở Châu Phi. Ở phía Đông, cà phê được trồng ở Kisii, Nyanza, Bungoma và Kakamega. Ở thung lũng Great Rift, cà phê được trồng ở Nakaru, Trans Nzoia, Kericho và Kajiado.
Hầu như tất cả cà phê Kenya là Arabica, chủ yếu là giống lai Bourbon- SL 28 và SL 34 được phát triển vào thập niên 1950 bởi các phòng nghiên cứu của Scotland. Giống Ruiru11 có khả năng kháng bệnh cao được phát triển những năm 1990 cũng được trồng một diện tích nhỏ. Mặc dù Bourbon là cây ưa mát cần được che bóng, nhưng ở Kenya hầu như chúng được trồng tiếp xúc trực tiếp với mặt trời. Lý do là vì các vùng trồng ở Kenya có độ cao rất lớn nên cây sẽ tiếp xúc với mưa quanh năm, cộng với độ ẩm cao và nhiệt độ thấp, cây cà phê vẫn sẽ phát triển tốt mà không cần che bóng. Một số nông hộ áp dụng kĩ thuật canh tác tầng rừng, các loại cây lâm nghiệp và nông nghiệp khác được trồng xen canh với cà phê.
Hầu hết cà phê chất lượng cao nhất của Kenya được trồng ở các nông hộ nhỏ với diện tích trồng chỉ từ ¼ mẫu tới 3 mẫu. Để có thể có đủ sản lượng để thương mại, các nông hộ nhỏ này đã kết hợp lại với nhau để xây dựng các tổ hợp sản xuất. Hiệp Hội Cà Phê Chất Lượng Cao Đông Phi ( The Eastern African Fine Coffee Association – EAFCA) ước tính khoảng hơn 700 000 nông hộ nhỏ đã xây dựng lên 500 tổ hợp sản xuất, bên cạnh đó cũng có khoảng 320 đơn vị sản xuất lớn và 3500 đơn vị sản xuất vừa với diện tích từ 50 tới 100 mẫu, các đơn vị này thường sẽ có khu vực sơ chế riêng. Các nông hộ nhỏ chiếm 58% sản lượng và 75% diện tích trồng.
Vào vụ mùa 2008-2009, sản lượng đạt chất lượng xuất khẩu là khoảng 55 000 tấn, vụ mùa 2009-2010 sản lượng ước tính đạt từ 50 000 tới 60 000 tấn theo EAFCA. Hơn 95% sản lượng cà phê sẽ được xuất khẩu, ở một quốc gia được ảnh hưởng văn hoá Hồi Giáo và Vương Quốc Anh, trà vẫn là một thức uống phổ biến hơn cà phê.
Sức căng từ sàn đấu giá
Cà phê Kenya chủ yếu được chế biến ướt, sau đó hạt được mang đi phơi nắng và chuyển tới các nhà máy chế biến để phân sàn chất lượng. Cà phê đã được chấm điểm có thể được bán đấu giá tại các sàn được tổ chức bởi chính phủ ở Nairobi, các sàn này được tổ chức hàng tuần từ năm 1935. Trước khi đấu giá, các nhà xuất khẩu sẽ gửi mẫu các lô hàng của họ đến các nhà thương mại quốc tế, sau đó là quá trình đấu giá. Hệ thống đấu giá này đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì tính minh bạch và công bằng của nó. Nhưng trong những năm gần đây, các nhà xuất khẩu đã gặp phải một vài trường hợp không thanh toán hoặc chậm thanh toán sau khi hàng đã được đấu giá xong.
Vào năm 2006, chính phủ Kenya hợp thức hoá luật thương mại trực tiếp cho phép nông dân bán hàng trực tiếp cho người mua mà không phải qua sàn đấu giá. Luật mới này – thường được gọi là “cửa sổ thứ 2” (second window)- cho phép mối quan hệ giữa nông hộ và thị trường được trở nên gần gũi hơn, các công ty thương mại lớn sẽ có thêm động lực để đầu tư vào dịch vụ và hỗ trợ nông dân. Mặc dù vậy, việc đấu giá vẫn chiếm khoảng 90 – 95 phần trăm của cà phê được bán ở Kenya.
Đối với nông hộ, việc xác định xem đầu ra nào là có giá tốt nhất thật không dễ dàng: “ Hiện tại, nhiều nông hộ sử dụng cả hai cách bán hàng để theo dõi xem cách nào sẽ là tốt nhất trước khi quyết định”. Ông Phyllis Johnson phát biểu, người làm việc với các nhà xuất khẩu của Kenya trong vai trò chủ tịch của nhà nhập khẩu BD Imports. “ Tôi nghĩ rằng ý tưởng này xuất phát từ suy nghĩ rằng nếu có một phiên đấu gía cao trong tuần mà họ không tham gia thì họ sẽ mất cơ hội được bán giá cao đó”.