BURUNDI – TRÁI TIM CỦA CHÂU PHI

  • Thông tin về Burundi
  • Tên nước: Cộng Hoà Burundi
  • Vị trí: Trung Phi, nằm ở phía Đông nước Cộng Hoà Dân Chủ Congo
  • Diện tích: 25.650 cây số vuông
  • Thủ đô: Bujumbura
  • Ngôn ngữ: Kirundi, Pháp, Swahili
  • Đơn vị tiền tệ: Đồng Burundi franc
  • Dân số: 8,090,068
  • Địa hình: Đồi và núi, với các cao nguyên trải về phía Đông
  • Khí hậu: Hai mùa mưa ( từ tháng 2 tới tháng 5 và từ tháng 9 tới tháng 11) và hai mùa khô ( từ tháng 6 tới tháng 8 và từ tháng 12 tới tháng 11)
  • Nông sản xuất khẩu: Cà phê, Bông, Trà, Bắp, Lúa miến, Khoai lang, Chuối, Thịt bò và sữa.

Burundi thường được gọi với cái tên mĩ mìu là “Trái Tim của Châu Phi”, một đất nước nhỏ bé được bao bọc bởi các quốc gia sản xuất cà phê láng giềng có tên tuổi, biên giới giáp Tanzania và Rwanda. Mặc dù với vị trí địa lý và sự ảnh hưởng của cà phê đối với nền kinh tế, là nông sản xuất khẩu chính và lớn nhất, cà phê của Burundi vẫn chưa có được tên tuổi trong nền cà phê đặc biệt.

Có rất nhiều lý do cho sự thật này: nội chiến thường xuyên đã đẩy những người nông dân khỏi mảnh đất của mình, họ đã phải di dời qua Tanzania. Bên cạnh đó, bệnh tật và khô hạn thường xuyên tàn phá đất nước. Những khó khăn dồn dập này đã khiến Burundi không thể sản xuất ra cà phê có sản lượng và chất lượng đạt chuẩn cho ngành cà phê đặc biệt.

Một lý do khác khiến cà phê Burundi không được biết đến trong ngành cà phê đặc biệt là do mối quan hệ của của quốc gia này với các nước láng giềng, trong nhiều năm mối quan hệ bang giao với các nước khác trong khu vực không được duy trì tốt. Sau cuộc đảo chính của tổng thống Buyoya, Burundi đã bị cấm vận kinh tế không chỉ bởi các quốc gia láng giếng mà còn bởi Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cấm tất cả các viện trợ khác đến Burundi trừ viện trợ nhân đạo. Sau năm 1999, các lệnh cấm vận được gỡ bỏ dần dần, và bây giờ vị thế của quốc gia này đã cải thiện hơn rất nhiều trong mối quan hệ không chỉ với các nước láng giềng mà với cảc các nước khác trên thế giới. Mặc cho các bất ổn chỉnh trị và sự xung đột giữa các bộ tộc, nền cà phê của Burundi vẫn tìm ra cách để vượt qua. “ Ngành cà phê có lẽ là một ngành hiếm hoi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những năm tháng bất ổn trong quá khứ”, ông Steve Ndabambalire, chủ tịch của BK trader, LLC. “ Lý do có lẽ là vì trồng cà phê quá quan trọng đối với các gia đình tại Burundi nên trong thời kì chiến tranh, cà phê đã được các bên tôn trọng và không gây tổn hại. Mặc cho sự hỗn loạn trong quá khứ, chúng tôi vừa có nhiều vụ mùa thành công trong một thập kỉ qua, trừ năm ngoái do ảnh hưởng của thời tiết”.

Không thua kém hàng xóm láng giềng 

Cà phê đã có mặt ở Burundi từ đầu những năm 1900s – người ta tin rằng cà phê được mang đến từ các nhà truyền giáo người Bỉ vào những năm 1904. Hiện tại, phần lớn cà phê là giống Arabica, còn lại là một ít Robusta được trồng. Cà phê được trồng ở các ngọn đồi và núi khắp đất nước với độ cao từ 1000 tới 2000 mét. Các vùng trồng chính là Mumirwa, Buyenzi và Kirimiro. Hầu hết hơn 800 000 nông hộ trồng cà phê có quy mô nhỏ, chỉ dưới một hecta, với tổng diện tích trồng khoảng 60 000 hecta.

Mặc dù ảnh hưởng của sâu bệnh là có, hầu hết các nông dân sử dụng rất ít hoặc không sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu. “ Cà phê ở đất nước này gần như là hữu cơ, vì nông dân không có khả năng để mua thuốc trừ sâu và phân bón” ông Emmanuel Nkengurutse, giám đốc kinh tế của Hiệp Hội Cà Phê Burundi. “Nông dân thường sử dụng các loại thuốc trừ sâu và phân bón có nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên”. Phương pháp phổ biến là họ sẽ ủ rơm để giữ ẩm và cải tạo đất, cũng như họ sẽ trồng xen canh các loại cây để ngăn chặn côn trùng và bệnh tật.

Cà phê chủ yếu được sơ chế ướt và cả nước có một vài nhà máy sơ chế tại vùng trồng. Các nhà máy sơ chế ướt phải tuân theo các nguyên tắc khắt khe, trong đó Hiệp hội quản lý các nhà máy chế biến ướt ( Societies Managing Coffee Washing Stations) có trách nhiệm thu mua, tách vỏ và rửa cà phê. Sau quy trình sơ chế ướt kết thúc, cà phê được chuyển đến nhà máy sơ chế khô, nơi các hạt cà phê được phân loại và chấm điểm. Sau quá trình này, cà phê sẽ được lưu kho. Cà phê chế biến bán ướt thường được tiến hành tại nông hộ sau đó các nông dân sẽ bán trực tiếp cho các nhà máy. Cà phê được xuất khẩu qua cả ba đường: bộ, thuỷ, hàng không, cả ba đều mất khoảng 1 tuần.

Sự giải phóng cho tương lai

Hầu hết những thành tựu mà Burundi đạt được, đặc biệt là trong khía cạnh chất lượng đến từ sự hỗ trợ của Hiệp Hội Cà Phê Burundi. Hiệp Hội này có nhiệm vụ chính là kết nối ngành cà phê trong Burundi, cũng như nâng cao chất lượng cà phê của đất nước. Hiệp hội là tập hợp của những người đại diện từng khâu trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành cà phê, bao gồm: nông hộ, các hợp tác xã, nhà xuất khẩu, các tổ chức tài chính và nghiên cứu.

Nông dân Burundi cũng đã bắt đầu hợp tác hình thành các hợp tác xã, một bước đi quan trọng để thay đổi ngành cà phê. “ Thông qua người đại diện nông hộ trong hiệp hội, những mối quan tâm của nông hộ đã được chia sẻ trong tổ chức, giữa các nông hộ , nhà máy sơ chế và nhà xuất khẩu. Ý kiến của khách hàng đã có thể đi thẳng đến nông dân để họ có những thay đổi phù hợp”.

Bên cạnh đó, tất cả cà phê được xuất khẩu sẽ qua kiểm tra chất lượng bởi Hiệp Hội để thúc đẩy chất lượng lên mức cao nhất có thể. Quá trình thử nếm được tiến hành tại hai phòng nghiên cứu tại Bujumbura và Gitega, hai phòng thí nghiệm này có chức năng nghiên cứu đánh giá cà phê từ khâu thu hoạch đến khâu xuất khẩu”.

“ Ngành cà phê đang trong quá trình được giải phóng và tư nhân hoá. Giá cà phê dành cho nông dân đã được giải phóng và mọi người được tự do tổ chức hoạt động kinh doanh theo ý họ muốn. Và trong ba năm sắp tới, tất cả các nhà máy chế biến ướt và khô của nhà nước sẽ được bán cho tư nhân, và từ đó Hiệp Hội  sẽ được chuyển mình thành một tổ chức được hợp pháp hoá có tiếng nói quốc tế”.

Sự cải thiện chất lượng đã giúp hương vị thật sự của cà phê Burundi được khai phá. Khi được rang nhạt cà phê Burundi có hương vị trái cây với một chút hăng và đắng ngọt. Hy vọng trong những năm sắp tới Burundi sẽ tiếp tục có được sự ổn định trong chính trị và kinh tế, từ đó thúc đẩy sự ổn định trong chất lượng của hạt cà phê.

  • Cà phê Burundi
  • Cà phê: Hầu hết là Arabica (96%). Các giống bao gồm: Jackson Bourrbon và Mibirrisi.
  • Hương vị: thể chất dày, tính axit rất sáng và có hương vị ngọt ngào.
  • Các vùng trồng chính: Buyenzi, Kirimiro và Mumirwa.
  • Độ cao: 1000 tới 2000 mét
  • Nông hộ: diện tích trung bình nhỏ hơn 1 hecta
  • Mùa nở hoa: tháng 9 tới tháng 11
  • Mùa thu hoạch: Tháng 2 tới tháng 6
  • Giao hàng: Tháng 9 tới tháng 5 năm sau
  • Sơ chế: Ướt
  • Thị trường chính: Đức, Bỉ, Mỹ, Nhật, Úc và Thuỵ Sĩ.
Tài liệu được dịch sang Tiếng Việt bởi Công ty TNHH BLAGU Việt Nam
Trích dẫn  bài viết “Navigating Origins” được viết bởi Adam Kline
Biên tập: Rollin’Gao