Trách Nhiệm Xã Hội của Doanh Nghiệp: lịch sử của tương lai.
Thuật ngữ Trách nhiệm Xã Hội của doanh nghiệp được nhắc đến đầu tiên vào năm 1953 bởi Bowen trên một tạp chí với tựa đề “ Trách nhiệm xã hội của một doanh nhân”. Bắt đầu từ thời điểm này thuật ngữ “trách nhiệm xã hội” đã trở thành một đề tài được dư luận cũng như giới doanh nhân thường xuyên nhắc tới và xã hội bắt đầu có những kì vọng nhất định về chủ đề này. Từ đó các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng về đạo đức kinh doanh và quy định về hoạt động nhằm xây dựng trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của tổ chức cũng như đối với cộng đồng mà doanh nghiệp đó đang hoạt động.
Ngày nay, thuật ngữ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang trở thành trọng tâm của sự chú ý khi mà những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu đã khiến thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về môi trường và năng lượng.
Trong Hội Nghị của Hiệp Hội Cà Phê Quốc Tế tổ chức ở Charles gần đây, Ông Andrea Illy đã nhắc lại định nghĩa về phát triển bền vững :” Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những như cầu hiện tại nhưng không thoả hiệp để đánh đổi các quyền lợi của thế hệ tương lai”.
Phát triển bền vững là một phần trong một khái niệm rộng hơn là trách nhiệm đối với xã hội của các doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều định nghĩa về trách nhiệm xã hội, nhưng nhìn chung chúng đều nhấn mạnh việc doanh nghiệp có trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của họ có tác động như thế nào với xã hội và môi trường. Những trách nhiệm này còn vượt lên trên các ràng buộc về mặt pháp luật để doanh nghiệp thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống của những thành viên liên quan đến hoạt động của công ty, bao gồm không chỉ nhân viên của công ty mà còn cả cộng đồng tại địa phương và quốc tế tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động kinh doanh của công ty đó. Ở một thời điểm nào đó, trách nhiệm xã hội lại bị xem là một hoạt động có tính chất thiện nguyện mà chỉ có những thành viên xứng đáng trong cộng đồng có liên quan nhận được những lợi ích từ nó. Nhưng ngày nay, khái niệm về cộng đồng nào và nguyên nhân nào cần thúc đẩy trách nhiệm xã hội đã được làm rõ (mặc dù vẫn có tính chất thiện nguyện trong việc đóng góp thời gian, tiền bạc và công sức vẫn là một yếu tố quan trọng của trách nhiệm xã hội) và hướng dẫn các công ty vận hành các chức năng cốt lỗi của mình không chỉ để đóng góp vào sự phát triển của xã hội mà còn thực sự đóng góp và sự phát triển của công ty đó.
Kim chỉ nam của sự phát triển bền vững luôn là 3 cột trụ cơ bản, 3 trụ cột này đã được diễn giải qua nhiều góc nhìn khác nhau như: Con Người, Hành Tinh và Lợi Nhuận ( 3Ps: People, Plannet and Profit), hay 3Es (Environment, Economic, Equity): Môi trường, Kinh Tế, Sự Công Bằng.
Sự ra đời của các chứng chỉ quốc tế.
Đi cùng với các hoạt động do doanh nghiệp xây dựng để đảm bảo trách nhiệm đối với xã hội là sự ra đời của các tổ chức và các chứng nhận độc lập. Các chứng nhận quốc tế này đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các quy chuẩn cho sản phẩm và hoạt động của các công ty trong ngành nông nghiệp nhằm đảo bảo một sự phát triển bền vững và công bằng được duy trì cho hiện tại và tương lai.
Đặc biệt trong ngành cà phê, các chứng chỉ tiêu biểu cho sự phát triển bền vững là chương trình Thương Mại Công Bằng (FairTrade) và Liên Minh Rừng Mưa Nhiệt Đới (RainForest Alliance)
Fairtrade – Thương Mại Công Bằng trong cà phê
Khoảng 125 triệu người có cuộc sống phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất cà phê. Cà phê cũng là nông sản nhiệt đới có giá trị và được thương mại phổ biến nhất trên thế giới, 80% sản lượng được sản xuất bởi các nông hộ nhỏ, nhưng nhiều người trong số đó lại không thể đảm bảo được cuộc sống từ việc sản xuất cà phê.
Cà phê nổi tiếng là một loại hàng hoá có sự bùng nổ và tăng trưởng nhanh. Sản lượng sản xuất hàng năm trên thế giới thay đổi từ năm này qua năm khác phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, bệnh dịch và các yếu tố khác. Kết quả là thị trường giao dịch cà phê luôn không ổn định khiến giá cả luôn dao động mạnh. Sự thiếu ổn định tạo ra một hệ quả nặng nề đối với những người có cuộc sống phụ thuộc vào cà phê do họ không thể nào dự báo được nguồn thu nhập hàng năm của mình và lên kế hoạch tài chính cho cuộc sống và các nhu cầu trong tương lai.
Chuỗi cung ứng cà phê là một hệ thống phức tạp với nhiều quá trình khác nhau, từ người trồng, thương lái, nhà sơ chế, nhà xuất khẩu, nhà rang xay, hệ thống bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Hầu hết nông dân không biết được hạt cà phê của mình sẽ được luân chuyển đến đâu và cuối cùng được bán với giá nào. Cách duy nhất để nông dân có thể xuất khẩu cà phê nhân với giá tốt là thành lập các tổ hợp hợp tác sản xuất, đầu tư vào trang thiết bị sơ chế và tự tổ chức sản xuất hoặc thuê người quản lý để vận hành hệ thống này.
Vào năm 1997, Hiệp Hội Thương Mại Công Bằng Quốc Tế ( Fairtrade International) được thiết lập ở Đức, ban đầu là để giải quyết các khó khăn của nông dân Mexico sau sự tuột dốc của giá cà phê thế giới vào cuối thập niên 1980. Với Thương Mại Công Bằng, các tổ chức sản xuất cà phê đạt chứng nhận sẽ được đảm bảo mức giá tối thiểu theo tiêu chuẩn của TMCB, mục tiêu của mức giá này là để đảm bảo chi phí sản xuất và đóng vai trò là bảo hiểm về giá trong trường hợp giá thế giới giảm xuống dưới mức bền vững (thấp hơn chi phí sản xuất). Thông qua tổ chức sản xuất, các nông hộ cũng nhận được các khoảng hỗ trợ của TMCB để đầu tư vào trang thiết bị, và cải thiện đời sống cộng đồng. Đối với TMCB, chất lượng là yếu tố tiên quyết, nông dân tham gia vào chương trình phải sử dụng ít nhất 25% lợi nhuận để cải thiện sản xuất, nâng cao chất lượng, như đầu tư vào thiết bị sơ chế. Trong vụ mùa 2013-2014, các nông dân đạt chứng chỉ đã nhận được các khoảng hỗ trợ lên đến 38,6 triệu đô để đầu tư vào sản xuất và phát triển các dự án cộng đồng.
Hết phần 1